Kế hoạch mở quán trà sữa là điều kiện cần thì nguồn vốn đầu tư lại là điều kiện đủ để bắt đầu kế hoạch của bạn? Vậy mở quán trà sữa cần bao nhiêu vốn còn tùy thuộc vào mô hình kinh doanh trà sữa của Bạn nữa nhé.
1/ Vốn 0 đồng – Mua đi bán lại
2/ Vốn 30 triệu – Trà sữa Online chuyên nghiệp
3/ Vốn 15 triệu – Trà sữa xe đẩy, vỉa hè.
4/ Vốn ~100 triệu – Quán trà sữa nhỏ, take away là chính.
5/ Vốn 300tr đến vài tỷ – Quán trà sữa, cafe lớn
Vốn 0 đồng
Một ví dụ gần nhất về kinh doanh không cần bỏ vốn chính là mấy anh chị “cò đất” mà bạn có thể nhìn thấy quảng cáo rất nhiều ở dọc 2 bên các con đường ở Việt Nam. Họ sẽ có được mức lợi nhuận là 1% cho phí môi giới và ??% phí kê thêm trên giá trị căn nhà hoặc miếng đất mà họ giới thiệu được. Vậy câu hỏi là có thể làm “cò trà sữa” được không? Tất nhiên là được rồi, luật pháp đâu có cấm bạn.
Nhưng thật lòng, mình không khuyến khích các Bạn áp dụng mô hình kinh doanh trà sữa này. Cứu đói tạm thời thôi chứ không có lâu dài và bền vững được đâu nhé.
Mô hình này có thể xem như là một biến thể của bán trà sữa online. Tuy nhiên, Bạn không cần đầu tư về thiết bị, kiến thức pha chế…mà Bạn chỉ cần mạnh về marketing online và một đôi chân khỏe để chạy đi giao hàng 🙂
Công việc cụ thể của Bạn là đăng hình sản phẩm lên mạng (facebook, web, zalo,..) với mức giá chênh lệch với giá mua –> tiếp theo, Khách hàng xem quảng cáo thấy thích sẽ tiến hành đặt hàng online –> Bạn sẽ đi mua lại từ cửa hàng trà sữa nào đó mà Bạn đã chọn trước, đã nghiên cứu giá cả, đã mặc cả bà chủ ở đó để lại cho mình với giá bán sỉ –> cuối cùng, Bạn đi giao cho Khách Hàng của Bạn –> thu tiền. XONG!
Mô hình kinh doanh trà sữa vốn 0 đồng này chỉ phù hợp khi Bạn đang sống tại 1 cụm căn hộ chung cư rộng lớn. Cộng đồng dân cư ở đây sẽ có những group Facebook để giới thiệu các sản phẩm “nhà làm” để bán. Bạn chỉ cần chụp hình đẹp, viết bài hay rồi upload lên trang đó và chờ đơn hàng. Ah, thật ra bạn cũng mất phí mua vài ly trà sữa để chụp hình chứ 🙂
Ưu điểm của mô hình này là bạn không bỏ vốn nhiều nhưng bạn phải mạnh về marketing online và có được nguồn cung cấp hàng phong phú, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhược điểm của mô hình này đó chính là bạn không kiểm soát được chất lượng của sản phẩm nên bạn khó lòng mà xây dựng được một thương hiệu bền vững cho riêng mình. Ngoài ra, bạn phải tính toán được chi phí vận chuyển (nhận hàng, giao hàng, tiền công giao nhận) và tính toán cung đường giao hàng xa hay gần để tránh sản phẩm tới tay người tiêu dùng bị nguội/lạnh hoặc không dùng được.
Năm 2017, Khải có hướng dẫn mô hình này cho 1 đứa bạn học chung cấp 3, do phải nuôi con nhỏ ở nhà không đi làm được, tính làm gì chơi kiếm sống qua ngày nhưng thực tế thì thu nhập ngoài mong đợi luôn. Bạn mình bán chênh lệch 1 ly 5K so với cửa hàng nhưng giao tận nhà nên rất rất nhiều nhà trong khu vực đó đặt hàng. Bạn mình cắm câu ở gần cửa hàng trà sữa trong khu dân cư và đợi có đơn hàng là ra tiệm trà sữa đó mua rồi đi giao cho khách. Mỗi tháng cũng kiếm hơn 5 triệu.
Làm được gần 6 tháng, thấy ok quá nên Bạn mình đã nhờ mình tư vấn mua dụng cụ, máy móc, hướng dẫn pha chế, cách làm thương hiệu, cách quản trị…để chính thức áp dụng mô hình bán trà sữa online rất rất chuyên nghiệp, y chang như một quán trà sữa Đài Loan nổi tiếng luôn. Và giờ đây, Bạn mình không thèm đi làm luôn, ở nhà bán trà sữa online nuôi 2 đứa con khỏe re…
Vậy giờ tui muốn kinh doanh trà sữa online luôn thì làm sao đây Mr.Khải?
Bạn cứ yên tâm, cứ từ từ, đọc ngay phần dưới, mình sẽ hướng dẫn các Bạn mô hình kinh doanh trà sữa online nhé. Liệt kê cho bạn các vật dụng cần thiết để Bạn tính được chi phí đầu tư và cách thức thực hiện chi tiết luôn. Zô…zô!!!
Vốn 30 Triệu – Trà Sữa Online Chuyên Nghiệp
Khi BĐS tăng chóng mặt, kéo theo giá cho thuê mặt bằng tăng cao, làm cho chi phí sinh hoạt cũng tăng nên lương nhân viên cũng phải tăng luôn. Do đó, kinh doanh trà sữa online hiện tại là một giải pháp kinh doanh tương đối an toàn và dễ thực hiện.
Với số vốn khoảng 30 triệu, chưa bằng chiếc xe máy nhưng có thể có thu nhập trên 15 triệu/tháng thì tỷ suất đầu tư “quá trời ngon”. Kinh doanh 2 tháng là thu hồi vốn rồi.
Hiện tại, có rất rất nhiều Bạn đã và đang kinh doanh trà sữa online. Tuy nhiên, đa phần các Bạn vẫn chưa lên chuyên nghiệp được.
Vậy lợi ích gì khi các Bạn nên đầu tư cho việc kinh doanh của mình chuyên nghiệp hơn? Đơn giản là Bán được với giá cao hơn –> lời nhiều hơn.
Vd: Một Chị A bán online nhưng cái ly ko có in logo, không có chụp hình sản phẩm, không có làm ABCD… thì bán được giá bán 15K/ly với số lượng ít.
Một chị B cũng bán online nhưng chịu khó đầu tư hình ảnh ly trà sữa có logo, ống hút có màng bọc hợp vệ sinh, có túi xách chuyên nghiệp, chụp hình sản phẩm đẹp, biết cách kết nối, tương tác với Khách bằng Facebook, Zalo, website, giao hàng nhanh chóng…thì bán được giá 20-25K/ly.
Vốn nguyên liệu 2 bên bằng nhau. Chị B phát sinh thêm tiền in ly, bọc, ống hút đẹp hơn khoảng 500 đồng/ly nhưng lại bán lời hơn được 5K-10K mỗi ly, và số lượng nhiều hơn chị A do chị B biết làm marketing và biết tương tác với Khách Hàng.
Vậy Bạn chọn theo phe chị nào? Bên dưới là bảng kê chi tiết ngân sách đầu tư kinh doanh trà sữa online.
Đối với bảng chi phí này, Bạn có thể lọc bỏ ra 1 số món để giảm chi phí đầu tư như máy định lượng đường, websie bán hàng, máy đánh trứng…NHƯNG nếu không đầu tư các món trên thì năng suất pha chế sẽ thấp, hao phí nhiều, món nước không ổn định và đặc biệt là giảm lượng khách hàng nếu không đầu tư website.
Các Bạn có thể xem thêm video theo link bên dưới. Mình giải thích rất rõ công dụng của các mục trong danh sách bên trên.
Các bước thực hiện
- Lập kế hoạch chi tiết ngân sách
- Chọn tên quán, logo.
- Mua website, domain, tên miền.
- Tạo fanpage, email, zalo…
- Học pha chế
- Setup quầy pha chế tại nhà
- Mua và setup máy móc, dụng cụ lên quầy
- Làm món –> chụp hình –> làm menu
- Đăng hình ảnh, món lên Website.
- Thiết lập kịch bản bán hàng.
- Đăng hình ảnh món, menu lên FB, Zalo.
- Quảng cáo FB, Zalo.
- Bán hàng –> rút kinh nghiệm –> sửa đổi –> bán hàng.
- Có tiền –> đi du lịch xả xì trét 😀 (bước này ko có trong qui trình nha)
Vốn 15 Triệu – Trà Sữa Xe Đẩy – Trà Sữa Vỉa Hè
Nếu có số vốn khoảng 15 triệu, Bạn có thể suy nghĩ đến mô hình trà sữa dạng xe đẩy, hoặc ở vỉa hè mặt tiền đường.
Đây là mô hình kinh doanh trà sữa rất tốt do chi phí đầu tư thấp nên có thể thu hồi vốn rất nhanh. May mắn, chỉ cần bán 1 tháng là thu vô hơn cả vốn đầu tư ban đầu.
Ưu điểm: không tốn nhiều vốn đầu tư. Chi phí mặt bằng gần như không có hoặc có thì cũng ít. Chi phí vận hành là 1 bao đá bi, nguyên liệu trà sữa và 2,000/ngày tiền điện sạc cái ắc quy dùng để phát nhạc và đèn đốm màu mè cho hoành tráng 🙂
Nhược điểm: người kinh doanh sẽ rất cực khổ vì cả ngày bạn phải làm bạn với đất trời nên dễ tàn phai nhan sắc. Trời mưa, trời nắng, bụi bặm, công an rượt, dân phòng đuổi…ôi đủ thứ trên đời cần phải đối phó.
Nên trước khi bạn quyết định kinh doanh mô hình này thì bạn cứ thử đứng chỗ nào đó 2-3 ngày liền xem thử có chịu nổi không rồi hãy quyết định làm nhé.
Góc chia sẽ: Hãy tìm các mặt bằng mà kế bên là ngân hàng hay công ty không làm việc ban đêm để mình có thể “mượn” mặt bằng kinh doanh miễn phí.
* Vốn khoảng 100TR
Với số vốn khoảng 100 triệu, Bạn có thể thuê được mặt bằng nhỏ, vừa bán mang đi (take away) hoặc có thể phục vụ offline khoảng 20-30 khách một thời điểm.
(Xem thêm: 4 Bước thuê mặt bằng kinh doanh trà sữa)
Tuy nhiên, bạn phải tính toán thật kỹ vốn đầu tư vì có thể sẽ bị ảnh hưởng tới vốn lưu động do bạn phải chồng cọc tiền nhà 2-3 tháng + 1 tháng tiền nhà đầu tiên (ở khu vực TpHCM).
(Xem thêm: Bảng Kê Chi Tiết Ngân Sách Kinh Doanh Trà Sữa)
Ưu điểm: tăng thêm lượng khách hàng vì có thêm kênh bán hàng offline (bán tại chỗ) so với mô hình bán online.
Nhược điểm: thông thường với chi phí đầu tư thấp (~100tr) nghĩa là bạn sẽ rất khó để trang trí quán đẹp lung linh. Do đó, giá bán của bạn cũng sẽ không được cao. Suy ra, lợi nhuận cũng vừa phải. Ngoài ra, bạn còn nuôi mặt bằng, nuôi nhân viên nên phải dự tính được dòng tiền dự trữ vào các tháng “cô hồn” trong năm.
Vốn mạnh ~300TR – vài tỷ.
Với số vốn mạnh, Bạn có thể chọn mặt bằng đẹp, đầu tư quán đẹp lung linh lộng lẫy y như các lão đại trong ngành F&B như The Coffee House, Cộng, Highland coffee, Goongcha, Toocha…
Vốn đầu tư sẽ đổ nhiều vào nội thất quán. Cụ thể là đầu tư vào cải tạo mặt bằng, trang trí nội thất, bàn ghế…
Trung bình, các “lão đại” chi ra khoảng 1.000USD cho mỗi m2. Riêng bản thân Khải thì thường setup quán trung bình rơi vào khoảng 5tr – 7tr mỗi mét vuông. Kết quả cũng đẹp lung linh lộng lẫy không thua kém các “lão đại” đó nha.
Lý do là Khải tự thiết kế và tự làm từ A-Z hết nên tiết kiệm chi phí rất rất nhiều. Nhưng nội thất quán cũng ở mức tương đối thôi, chứ không thể nào “xịn” bằng các lão đại được. Đa phần họ dùng hàng nhập, còn mình thì có cái nhập có cái phải dùng hàng nhái. Mình chia sẽ thiệt lòng để các Bạn hiểu vấn đề này.
Ngoài ra, Bạn thuê bên ngoài làm sẽ phải tốn phí thiết kế, phí dịch vụ và tùm lum thứ phí “trung gian” giữa các thầu phụ với nhau.
Vd ông thầu Xây mà giới thiệu ông thầu sơn cho Bạn thì ông Sơn phải “lại quả” 10% cho ông thầu Xây. 10% đó tất nhiên ông thầu Sơn sẽ tính vào giá với Bạn rồi. Nên Bạn sẽ là người gánh phí 10% đó. Trong 1 cái quán thì có rất nhiều thầu phụ như điện/nước, sắt, nhôm/kính…
Ah, có Bạn nói nhiều công ty bây giờ “miễn phí thiết kế”, với điều kiện là phải ký hợp đồng thi công của họ luôn. Thật ra, họ sẽ cộng thêm phí thiết kế đó vào trong dự toán thi công luôn rồi nhé.
Cho dù Bạn có nhờ mình thiết kế thi công thì mình cũng sẽ làm rõ với Bạn như vậy.
Đâu có ai thiết kế miễn phí xong rồi Bạn không trả tiền thiết kế và không thi công thì lấy gì ông thiết kế sống được!?
Nên nếu Bạn chọn “thiết kế miễn phí” mà không thi công thì Bạn buộc phải bị mất cọc thi công đó nhé. Thông thường là 150K/m2.
Ưu điểm: bán được mức giá cao –> lợi nhuận nhiều, dễ xây dựng thương hiệu, dễ dàng bán các sản phẩm phụ kèm theo như thức ăn, bánh, đồ thời trang…
Nhược điểm: chi phí cố định cao, cạnh tranh khốc liệt nên cần có kinh nghiệm quản trị giỏi để giảm thiểu rủi ro thất bại.